Trọng tâm của mỗi cuộc cải tổ chính là sự thay đổi trong nguyên tắc, đời sống công việc hàng ngày, đem lại những bước phát triển mới cho một tổ chức. Tuy nhiên, để những thay đổi tích cực ấy len lỏi đến từng con người và ai cũng chấp nhận, thích nghi với chúng, thì đó lại là cả một quá trình gian nan cho những người cầm trịch.
Tại sao chúng ta lại khó thay đổi đến vậy? Tại sao mỗi cuộc cải tổ luôn phải đối mặt với những phản ứng gay gắt từ người thực thi? Bài viết của Joy S. Ruhmann đăng trên tạp chí Business Leader sẽ hé mở những lời giải thích thú vị về vấn đề nan giải này.
Khi bạn khởi xướng một sáng kiến, cần phải thay đổi thói quen công việc; những nguyên tắc tưởng như bất di bất dịch trong văn hóa làm việc của tổ chức, điều đó có nghĩa là bạn đã tước đi không gian tự do của những người xung quanh. Phản ứng đầu tiên của mọi người sẽ là: “Chúng ta đang làm gì sai trái à?” hoặc “Từ trước đến nay mọi việc đều diễn ra như thế mà?”.
Thậm chí, khi mà đề xuất của bạn được mọi người tỏ vẻ hưởng ứng, bạn cũng dễ dàng thấy họ đang thực hiện nó một cách cáu kỉnh, đầy khó chịu. Những hành vi kháng cự ngầm như thế còn nguy hiểm hơn rất nhiều những hành vi chống đối công khai, bởi bạn sẽ rất khó đoán biết diễn biến, biểu hiện của người chống đối để kịp thời chấn chỉnh. Những hành vi kháng cự dù ngấm ngầm hay công khai đều ảnh hưởng rất xấu đến tình hình kinh doanh và tinh thần làm việc của mỗi tổ chức.
Tại sao con người lại kháng cự trước những thay đổi?
Để lý giải cho việc tại sao những đề xuất thay đổi lại chứa đựng nhiều thách thức và bị kháng cự, các chuyên gia về quản lý cải tổ cho rằng:
- Mỗi con người đều có cá tính riêng và hành vi của họ cũng vậy. Cá tính và hành vi tác động rất nhiều đến việc mỗi cá nhân sẽ phản ứng lại yêu cầu thay đổi như thế nào. Những con người năng nổ, đầy nhiệt huyết thường có xu hướng hưởng ứng yêu cầu thay đổi và họ thích nghi với nó nhanh hơn hẳn những người sống nội tâm và ít sôi nổi.
- Lòng tự trọng của mỗi con người cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng thích nghi với sự thay đổi của họ. Người có lòng tự trọng thấp là người kháng cự lại những thay đổi tích cực vì lo sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tình trạng, địa vị hiện tại của họ, khiến họ… giống với những người khác. Ngược lại, người có lòng tự trọng cao là những người nhận ra rằng sự thay đổi mang đến cho họ cơ hội mới, hứa hẹn những điều tốt đẹp sắp đến với họ và với cả tập thể.
- Stress cũng tác động rất lớn đến khả năng nắm bắt nhu cầu thay đổi của mỗi chúng ta. Khi bạn làm chủ được cuộc sống công việc, điện thoại di động, Internet, PDA…, mọi thứ đều khiến cho cuộc sống của bạn thuận lợi hơn và bạn nhận thức được tầm quan trọng của những thay đổi mà bạn cần phải có. Còn khi quá căng thẳng, lo âu về việc cuộc sống sẽ chuyển hướng như thế nào, bạn sẽ tìm cách hạn chế mọi thay đổi để tránh những phiền phức, xáo trộn không đáng có.
Vấn đề ở đây là, tiến sĩ W. Ewards Deming, cha đẻ của cuộc cách mạng Chất lượng tại Mỹ lại cho rằng: “Không cần thiết phải thay đổi, bởi những gì đang tồn tại đều không có tính chất bắt buộc”. Tuy nhiên, đối với những tổ chức đang hướng đến chất lượng phục vụ khách hàng ưu việt, hoàn hảo, tốc độ phát triển và doanh thu cao, thì việc đưa ra những thay đổi là tất yếu và họ buộc phải thực thi những thay đổi ấy như sứ mệnh, tầm nhìn của họ.
Câu hỏi đằng sau mọi câu hỏi
Đã có bao nhiêu cặp vợ chồng cho rằng họ sẽ thay đổi được “nửa bên ấy” trong cuộc sống hôn nhân? Một nhân viên không đáp ứng được yêu cầu cho công việc nhưng bạn vẫn tuyển dụng anh ta bởi bạn tin rằng mình có thể thay đổi con người ấy theo chiều hướng hiệu quả hơn? Phải chăng con người ta sẽ thay đổi chỉ khi họ có nhu cầu thay đổi?
Tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng (Trong đó có cuốn “Câu hỏi đằng sau mọi câu hỏi”), John Miller đã từng viết: “Thay đổi là cả một vấn đề riêng tư, tôi chỉ có thể thay đổi tôi mà thôi. Đó là câu hỏi đằng sau mọi câu hỏi!”. Khi đối diện với yêu cầu phải thay đổi, chỉ có mỗi cá nhân tự tác động đến quyết định của họ trong việc đi theo, đấu tranh hay lờ đi yêu cầu đó. Cũng theo Miller, bằng trách nhiệm cá nhân, chúng ta sẽ thích nghi với những đổi thay quanh mình một cách hiệu quả hơn và tránh đi những phản ứng tiêu cực.
Bạn chỉ có thể thay đổi được con người bạn, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo là dẫn dắt mọi người chấp nhận và thích nghi với nhu cầu thay đổi. Bằng cách truyền cảm hứng và nhiệt huyết, sự noi gương, cùng sát cánh với những con người trong tổ chức, bạn hoàn toàn có thể tác động đến thái độ, hành vi của mỗi người, giúp họ đi theo tiếng gọi của tổ chức.
Hãy nói với họ: “Để sinh tồn, chúng ta cần phải thay đổi!”
Trịnh Quang Dũng (Dịch từ Business Leader Magazine)
http://www.bwportal.com.vn/?cid=4,4&txtid=2860
0 nhận xét:
Đăng nhận xét