Kênh quảng bá hình ảnh doanh nhân và doanh nghiệp.
Ngày nay, xu hướng các doanh nhân trở thành diễn giả ngày càng trở nên phổ biến. Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu làm quen với khái niệm diễn giả qua một số cuộc hội thảo trong nước với sự góp mặt của một số diễn giả là người nước ngoài. Ở nước ta, diễn giả chưa trở thành một nghề mà một số giảng viên, lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia như một nghề tay trái. Song hiệu quả khi lãnh đạo các doanh nghiệp đóng vai trò là một diễn giả không hề nhỏ.
Mang hình ảnh mới về doanh nhân và doanh nghiệp tới với công chúng.
Kỹ năng nói một cách có hiệu quả không còn đơn thuần chỉ là điều “ có thì càng hay” như trước nữa, mà đó đã thực sự trở thành kỹ năng không thể thiếu đối với những người thành công và đặc biệt là với các chủ doanh nghiệp thành đạt.
Thông qua một buổi nói chuyện, trao đổi trong một cuộc hội thảo, chuyên đề với công chúng sẽ mang lại hiệu quả hơn bất cứ kênh truyền thông nào. Khi đóng vai trò là một diễn giả, qua những thông điệp mà họ gửi tới thính giả sẽ khiến công chúng có cách nhìn khác về họ và doanh nghiệp. Diễn giả có thể bày tỏ, chia sẻ những thành bại trong kinh doanh với công chúng, đây là những câu chuyện thật về cuộc đời kinh doanh của họ, tâm sự này sẽ là kinh nghiệm cho những thế hệ đi sau, là bạn đường cho những đối tác tiềm năng… Công chúng sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá riêng về con người ấy. Nếu có khả năng biến tấu linh hoạt thì hiệu quả mà buổi diễn thuyết đấy mang lại sẽ rất lớn.
Một buổi nói chuyện dù ngắn ngủi nhưng công chúng sẽ biết đến họ với nhiều tư cách khác nhau: một diễn giả tài ba, hay một chủ doanh nghiệp thành công. Không cần báo chí đưa tin, không cần truyền hình quảng cáo nhưng sức hấp dẫn mà buổi diễn thuyết mang lại sẽ tác động trực tiếp tới thính giả. Sự xuất hiện của lãnh đạo doanh nghiệp với tư cách là một diễn giả sẽ là thông điệp quảng cáo không lời với công chúng. Truyền khẩu là một kênh giao tiếp, quảng cáo mang lại hiệu quả tích cực. Qua đây, sẽ góp phần vào việc kích cầu, tăng số lượng bạn hàng, số lượng đơn đặt hàng, tăng doanh thu, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.
Làm thế nào để doanh nhân làm diễn giả thành công?
Nghệ thuật nói không chỉ là một điểm cộng cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp mà ngày càng trở nên là một yêu cầu thiết yếu đối với mỗi lãnh đạo doanh nghiệp. Nói làm sao để người nghe cuốn theo và hòa mình cùng dòng cảm xúc của diễn giả không phải là điều đơn giản. Bên cạnh việc nói hay, diễn giả phải là người diễn tốt. Diễn tốt ở đây không phải là đóng kịch, mà là diễn giả phải xử lý thông tin linh hoạt, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được để biến cuộc diễn thuyết thành cuộc nói chuyện, trao đổi thoải mái mà vẫn lôi kéo công chúng theo mục tiêu ban đầu mà mình đã định ra.
Một diễn giả tài ba ngoài việc nói hay còn phải là người biết lắng nghe. Nghệ thuật lắng nghe sẽ mang lại cho thính giả cảm giác được tôn trọng nhờ vậy mà sự hợp tác giữa thính giả và diễn giả sẽ mang lại một buổi trao đổi lý thú, bổ ích, hiệu quả cho cả hai bên. Thông qua việc lắng nghe diễn giả sẽ hiểu được toàn bộ mong muốn của công chúng, mong muốn ấy không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn được bộc lộ qua sắc thái tình cảm và những ngữ khí thấm đượm trong những nội dung mà họ nói ra. Hiểu được những gì công chúng muốn trao gửi qua đó diễn giả phải có những phản ứng tình cảm thích hợp thể hiện sự quan tâm tới điều mà công chúng còn đang băn khoăn.
Một diễn giả chưa được coi là thành công nếu chỉ nói giỏi, mà viết được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của diễn giả. Một diễn giả giỏi là một diễn giả có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và thể hiện nó trên văn bản. Sức mạnh của chữ viết nhiều khi còn lớn hơn lời nói bởi tính xác thực thường được khẳng định cao hơn.
Lãnh đạo nào cũng mong muốn trở thành một nhà diễn thuyết giỏi bởi những hiệu quả mà nó mang lại cho cá nhân lãnh đạo và cho toàn doanh nghiệp là không hề nhỏ. Là người dẫn xướng trong một cuộc họp thì lãnh đạo đương nhiên phải trở thành diễn giả. Năng lực điều hành cuộc họp sẽ đánh giá tiêu chí trở thành diễn giả của một doanh nhân. Làm thế nào để nhân viên ủng hộ ý kiến của mình không phải chỉ vì mình làm lãnh đạo là một điều không đơn giản. Là người điều hành cuộc họp thì lãnh đạo cũng phải là người khéo léo dàn xếp các xung đột. Trong một cuộc họp có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, nếu lãnh đạo không khéo léo dàn xếp thì sẽ trở thành một cuộc tranh luận không mang lại kết quả mong muốn.
Để doanh nhân trở thành diễn giả không hề khó, chỉ cần một chút cố gắng thì bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành nhà diễn thuyết tài ba. Đơn giản là “ Bạn phải thực sự truyền tải thông điệp một cách tốt đẹp nhất tới nơi mà bạn muốn”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét